Nhờ vào chiến dịch đẩy mạnh các các công trình xây dựng nhà ở, công trình trung tâm thương mại, siêu thị,... đã góp phần khiến cho thị trường sắt thép tôn trở nên sôi động trở lại và dự kiến rằng ngành thép sẽ được hưởng lợi và sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số trong tương lai gần.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2020 việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công của các địa phương đã góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ của toàn ngành thép trong bối cảnh thị trường ảm đạm vì dịch bệnh. Cụ thể, sau 6 tháng đầu năm có sản lượng sản xuất, tiêu thụ giảm thì kể từ tháng 7 ngành này đã có phục hồi và tính chung trong 11 tháng đầu năm 2020 sản xuất thép các loại đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ 2019.
Với sự phục hồi rõ rệt của ngành thép ở những tháng cuối năm, giới chuyên gia còn dự báo ngành thép sẽ còn có triển vọng tích cực trong năm 2021 bởi sẽ có làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng. Khi đó, vật liệu xây dựng nói chung, thép nói riêng sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất. Trong các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai, cao tốc Bắc-Nam là dự án đáng chú ý nhất. Cùng với đó, thị trường bất động sản nhà ở được dự báo có thể nóng trở lại trong 2021 cũng là yếu tố giúp ngành thép tăng trưởng.
Theo ước tính của chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, 40% vốn đầu tư công cho dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam sẽ được giải ngân trong năm 2021 và 60% chi phí xây dựng (23,7 nghìn tỷ đồng) sẽ được phân bổ vào chi phí nguyên vật liệu. Trong năm 2021, VNDirect dự kiến các dự án này sẽ cần huy động khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng thép xây dựng và 3,8 nghìn tỷ đồng xi măng. Từ đó, VNDirect dự báo tăng trưởng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng sẽ đạt 10-12% trong năm 2021.
Cũng theo VNDirect, các doanh nghiệp thép xây dựng hàng đầu có thể sẽ giành thêm thị phần trong năm 2021. Phân tích nguyên nhân, VNDirect chỉ ra, năm 2020 mặc dù đại dịch Covid-19 đã phủ bóng lên triển vọng thị trường thép nội địa trong nửa đầu năm song các nhà sản xuất thép lớn với khả năng quyết định giá, sở hữu tài chính tốt và lợi thế sản xuất theo quy mô đã nắm bắt cơ hội này để giành lấy thị phần.
Điển hình có thể kể tới Tập đoàn Hòa Phát (HPG) – nhà sản xuất thép lớn nhất trong nước đã gia tăng thị phần thép xây dựng từ 26,2% trong năm 2019 lên 32,6% trong 9 tháng năm 2020. Theo đó, lượng thép xây dựng bán ra của doanh nghiệp này đã tăng 26,4% so với cùng kỳ trong khi sản lượng thép tiêu thụ chung của toàn ngành giảm 3,1%. Công ty này hiện đang sở hữu quy mô sản xuất hàng đầu, kinh nghiệm và hiệu quả kinh doanh đã được chứng minh – bên cạnh việc Khu liên hợp gang thép Dung Quất (KLHDQ) đang dần đi vào hoạt động giúp HPG nâng cao năng lực sản xuất và ngày càng hoàn thiện danh mục sản phẩm. Các yếu tố trên sẽ giúp HPG tận dụng được đà tăng trưởng của ngành xây dựng nội địa trong tương lai.
“Chúng tôi ước tính thị phần thép xây dựng của HPG sẽ tăng lên mức 35% trong năm 2021 từ mức chỉ 32% của năm 2020”- chuyên gia của VNDirect dự báo.
Cùng nhận định tăng trưởng tích cực cho ngành thép trong 2021, chuyên gia Nguyễn Đăng Thiện của Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự báo, ngành sắt thép tôn toàn cầu sẽ phục hồi trong năm 2021 cùng với một loạt chính sách kích cầu hạ tầng và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này. Trong đó, ở thị trường nội địa, năm 2021, ngành bất động sản lẫn xây dựng sẽ hồi phục, qua đó thúc đẩy sản lượng toàn ngành thép. Từ đó, dự kiện tổng sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) và thép cuộn cán nguội (CRC) Việt Nam năm 2021 đạt 10,69 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ 2020. Tăng trưởng sản lượng mảng thép xây dựng, ống thép và tôn mạ năm 2021 được dự kiến lần lượt 9%, 8% và 8% so với cùng kỳ 2020.
Cùng với thép, sản lượng tiêu thụ tôn mạ cũng được dự báo sẽ tăng 7-10% trong năm 2021. Các chuyên gia kỳ vọng mức tăng trưởng này có được nhờ làn sóng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam của các doanh nghiệp FDI và sản lượng xuất khẩu cao hơn do nhu cầu thế giới phục hồi.